Phân tích bài thơ Đàn ghita của Lorca | Làm văn mẫu
Hướng dẫn
(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy phân tích bài thơ Đàn ghita của Lorca của Thanh Thảo
(Bài văn phân tích của bạn Phí Minh Nguyệt lớp 12A4 trường THPT chuyên Tuyên Quang).
BÀI LÀM
Phê-đê-ri-cô Ga-ri-a Lor-ca, người chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho công lý đồng thời là nghệ sĩ vĩ đại có trách nhiệm công dân và tinh thần xây dựng nền nghệ thuật mới tiến bộ. Với tấm lòng tri ân xót thương cho “chú chim họa mi xứ sở Tây Ban Nha”, Thanh Thảo đã viết lên bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca” chế tác lại hình tượng nghệ sĩ – chiến sĩ ấy bằng biểu tượng nghệ thuật quen thuộc – đàn ghi-ta. Bài thơ là những thể nghiệm hình thức biểu đạt mới mẻ, đậm màu sắc tượng trưng siêu thực, thể hiện được tài năng và phong cách Thanh Thảo.
Bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca” được Thanh Thảo lấy bối cảnh của xã hội Tây Ban Nha dưới chế độ phát xít độc tài Prăng-cô đầu thế kỉ XX. Tác phẩm tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp và tâm hồn Lor-ca trên chặng đường đấu tranh chống chế độ bất công.
Trước hết, tác giả khái quát chân dung Lor-ca qua những hình ảnh rất đặc trưng:
“Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la, li-la, li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
m thanh tiếng ghi-ta được miêu tả bằng hai hình ảnh “bọt nước” và “li-la…”. Từ “bọt nước” gợi nên tính chất trong sáng, đẹp đẽ nhưng lại mong manh, dễ vỡ. m thanh tiếng đàn “li-la” gợi nhắc về đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp với những cây đàn, âm nhạc, điệu vũ… phóng khoáng và sôi nổi. Tương tự, cuộc đời Lor-ca là thế, đẹp nhưng nhỏ nhoi, bất định. Chân dung Lor-ca càng được làm rõ ở hình ảnh “áo choàng đỏ gắt” và bóng dáng chàng du ca một mình một ngựa “lang thang” dưới ánh trăng. Lor-ca sống cả đời chỉ để mặc chiếc áo choàng kị sĩ đơn độc giữa đấu trường chính trị gay gắt. Cái người ta xót xa hơn đó là sự đơn độc. Con người đơn độc trên chặng đường đấu tranh loại trừ cái ác. Lor-ca mang những chặng dài bi kịch!
“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lor-ca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du”
Đối lập với cuộc đời đau thương, Lor-ca lại có tâm hồn cao đẹp, yên bình và tự do. Với từ “nghêu ngao”, người đọc thấy chân dung của một chàng trai trẻ hồn nhiên, yêu đời, thánh thiện. Đối lập với đó, hình ảnh “kinh hoàng” và “bê bết đỏ” khiến người đọc giật mình về hiện thực tàn khốc. Chiếc áo choàng đỏ chàng kị sĩ mặc ấy nay đã “bê bết”, màu máu hòa vào màu đỏ của chiếc áo. Vậy nên tác giả mới nói “bê bết đỏ”. Chính điều này đã làm nên chất tượng trưng siêu thực cho bài thơ. Tiếp tục đối lập với hiện thực lại là tâm hồn chàng du ca không những không sợ hãi, hoang mang mà còn tư thế chủ động. Ngữ điệu thả từ tranh trắc “bị điệu” nặng nề về một câu thơ “chàng đi như người mộng du” 6/7 thanh bằng giúp âm hưởng dài ra, miên man và thơ mộng. Thể xác đang bị điệu nhưng linh hồn đang đâu đó, đi theo hương hoa tử đinh và tiếng đàn ghi-ta đến bề trời mênh mông sóng nước. Cõi hồn Lor-ca đang đeo đuổi khát vọng mà không một thế lực nào giam cầm hay giết hại được.
Tiếp tục hóa thân nhân vật trong số phận cây đàn, Thanh Thảo viết:
“Tiếng ghi-ta nâu
Bầu trời cô gái ấy
Tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
Tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
Tiếng ghi-ta ròng ròng
Máu chảy”
Cụm từ “tiếng ghi-ta” liên tục lặp lại tạo một điệp khúc nhanh, dồn dập, thiết tha. Hơn nữa, tiếng ghi-ta được miêu tả với rất nhiều sắc thái từ yêu đời trong màu nâu trầm tích, trong bầu trời xanh, trong cô gái Di-gan phóng khoáng, trong lá xanh đến đau thương trong cái “vỡ tan” của bọt nước, “ròng ròng” “máu chảy”. Tất cả lột tả lại một cái chết hoàn toàn đau đớn trong sự ngỡ ngàng.
“Không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”
Trước cái chết đau đớn ấy, Thanh Thảo bày tỏ xót thương. Ước nguyện của Lor-ca trước khi chết là được chôn cùng cây đàn ghi-ta, nhưng hiện thực không hề được như vậy. Lor-ca chết đi trong danh nghĩa của một kẻ chống phá chế độ, Lor-ca không được công nhận. Thế nên, chàng tựa hòn ngọc đau thương hóa thành từ giọt nước mắt của những người cảm phục chàng, chỉ có điều nó mãi trong đáy giếng sâu tăm tối và lạnh lẽo.
Cuối cùng, Thanh Thảo đã bất tử hóa hình tượng này:
“Đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
trên chiếc ghi-ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la…”
Đúng là cuộc đời Lor-ca đã kết thúc, đường chỉ tay cũng đã “đứt” nhưng linh hồn thì vẫn sống. Linh hồn Lor-ca vẫn sẽ gắn bó mãi với những gì mà chàng ao ước, đó là cây đàn ghi-ta, hình ảnh cô gái Di-gan và âm thanh tuyệt diệu “li-la” của quê hương xứ sở. Một chút gì đó khiến ta biết rằng chàng đang yên bình. “Trái tim” đầy khát vọng và sôi nổi lúc còn sống này được về với những gì ao ước, hẳn Lor-ca đã thỏa mãn khát vọng ở thế giới bên kia. Tiếng “li-la” điệp cuối bài kết thúc bản hùng ca về một con người vĩ đại.
Thông qua nhịp điệu linh hoạt, hình ảnh độc đáo và bút pháp tượng trưng siêu thực trong bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca”, Thanh Thảo đã tái hiện thành công chân dung nhân vật Lor-ca cũng gửi tới thông điệp: nghệ thuật chân chính luôn bất tử.
>>> XEM THÊM:
phân tích nhân vật a phủ
Theo Vanmauonline.com