Phân tích nhân vật A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ | Văn mẫu
Hướng dẫn
(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy phân tích nhân vật A Phủ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
(Bài văn phân tích của một bạn học sinh chuyên văn trường THPT chuyên Lương Thế Vinh)
BÀI LÀM
Chuyến đi thực tế kéo dài 8 tháng năm 1952 của Tô Hoài lên vùng núi Tây Bắc đã cho nhà văn có những am hiểu sâu sắc về cuộc sống con người miền núi cũng như gợi cảm hứng cho nhà văn viết lên truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Đây được coi là truyện ngắn xuất sắc nhất trong văn học kháng chiến chống Pháp, tiêu biểu cho phong cách và tài năng Tô Hoài. Trong đó, nhân vật A Phủ là hiện thân của con người miền núi trước cách mạng tháng Tám, được thể hiện ở cả hai phương diện gồm số phận đau khổ và sức mạnh vùng lên đấu tranh.
Trước hết, nhân vật A Phủ được Tô Hoài xây dựng như một hiện thân tiêu biểu cho cuộc đời của những người lao động miền núi bị áp bức, bóc lột. A Phủ không khác gì một thứ nông nô miền núi trước Cách mạng. Trước khi trở thành nông nô, A Phủ cũng là một chàng trai khỏe mạnh, là con người của núi rừng tự do. A Phủ giỏi săn bắn, trồng trọt, giỏi đúc lưỡi cày, chạy nhanh như ngựa, săn hổ rất bạo… Tuy mồ côi từ nhỏ, sống cuộc đời nghèo khó nhưng A Phủ vẫn được rất nhiều con gái trong bản mê đắm. Lấy được A Phủ như có thêm một “con trâu tốt trong nhà chẳng mấy mà giàu”. Một chàng trai như thế lại bị biến thành nông nô. Do A Phủ đánh nhau với A Sử, tức là đánh phải con nhà giàu, đánh con quan cho nên A Phủ bị nhà thống lí Pá Tra bắt về phạt vạ một trăm đồng bạc trắng. Không có tiền, A Phủ buộc phải vay tiền từ nhà thống lí Pá Tra để nộp phạt rồi sau đó trở thành người đi ở không công suốt đời cho nhà thống lí. A Phủ bị cúng trình ma kèm theo lời nguyền độc địa “Đời mày đời con mày tao cũng bắt thế nếu không trả hết nợ”. A Phủ bị con ma vô hình trói chặt cuộc đời nô lệ. Sau đó, A Phủ còn bị biến thành vật thế mạng cho con bò đã bị hổ ăn thịt. A Phủ bị trói đứng vào cột chỉ đợi ngày chết khô, chết héo. Như vậy, cũng như Mị, A Phủ bị bóc lột, đánh đập hành hạ về cả thể xác và tinh thần.
Bên cạnh đó, A Phủ còn là hiện thân của sức mạnh phản kháng. Tuy rằng bị bóc lột tàn bạo nhưng ở trong A Phủ vẫn luôn tiềm ẩn một sức mạnh phản kháng mạnh mẽ. Ban đầu, sức mạnh ấy được thể hiện trong hành động A Phủ đánh A Sử. Vì A Phủ bất bình trước hành động cậy thế ức hiếp người khác nên đã ra tay trừng trị A Sử. Sau đó, khi bị phạt vạ, A Phủ cứ “im như cái tượng đá”. A Phủ giống như một con tuấn mã bất khan, phản kháng bằng cách không nói năng cũng không kêu khóc. Cách so sánh của Tô Hoài rất đậm đặc trưng tính cách con người miền núi. Khi bị trói đứng A Phủ cố tìm cách giải thoát. Trong A Phủ luôn có khát vọng tự do âm ỉ sục sôi. Ánh lửa khát vọng trong đôi mắt A Phủ dường như có sức mạnh cảm hóa Mị. Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ. Lúc đầu, A Phủ “khuỵu xuống”. Bị trói nhiều ngày khiến A Phủ kiệt sức. Điều này rất hợp lý. Nhưng sau đó, bằng sức phản kháng mãnh liệt, A Phủ “quật sức vùng lên chạy”. A Phủ dồn tất cả mọi sức lực còn trong người để vùng lên chạy. Sức mạnh tiềm ẩn dường như được huy động tối đa. Ban đầu đơn thuần đó có thể là sự chạy trốn cái chết bởi nếu như không chạy thì chỉ còn cách “chết rũ xương” ở nhà thống lí. Nhưng sau đó, hành động chạy trốn còn là tìm đến con đường giải phóng. A Phủ cùng Mị rời khỏi Hồng Ngài về Phiềng Sa. Họ được giác ngộ cách mạng và trở thành cán bộ du kích. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, họ chống lại phong kiến và thực dân tàn ác.
Như vậy, truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật A Phủ điển hình cho số phận bất hạnh và sức mạnh vùng lên tự giải phóng của con người miền núi trong chế độ xã hội cũ. Tô Hoài đã sử dụng hệ thống ngôn ngữ đậm chất miền núi, bút pháp miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tài tình để khắc họa chân dung hình tượng nhân vật. Chính nhân vật A Phủ đã truyền cảm hứng cho về khát vọng sống, khát vọng tự do và khát vọng hạnh phúc mà tác giả muốn truyền đạt.
>>> XEM THÊM:
-
phân tích bài thơ tây tiến của quang dũng
-
phân tích nhân vật mị trong truyện ngắn vợ chồng a phủ
-
chứng minh tính nhân đạo trong truyện ngắn vợ nhặt
Theo Vanmauonline.com